Home » , » Sâu chít được coi là Đông Trung Hạ Thảo

Sâu chít được coi là Đông Trung Hạ Thảo

Ðăng bởi Unknown : Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013 | 07:24



Sâu chít không chỉ là món ăn “đặc sản” của người H’mông, Thái, Dao đỏ ở Tây Bắc mà nó còn là một loại rượu quý để giúp đàn ông tăng sinh lực, cải thiện da và sức khỏe cho phụ nữ, cho những người có thế trạng yếu…Một lần lang thang ở Tây Bắc, chúng tôi được biết những điều kì lạ về loại sâu được ví là “Đông trùng hạ thảo” của Việt Nam này…

Kì lạ một loài sâu

Hôm rời phố thị Sài Thành, cậu bạn đồng nghiệp cứ dặn đi dặn lại: “Đi Tây Bắc, chị nhớ lưu tâm về một loại sâu sống trong cây chít làm chổi. Đặc biệt phải nhớ uống rượu sâu chít đấy nhé!”. Con vật ấy có gì đặc biệt mà cậu ta cứ nhắc hoài vậy, tôi thắc mắc. 

Và kì lạ thay, tại Sapa, cô bé con Thào Thiên Lý (người H’mông) lại rất am hiểu về loại sâu này. Cô kể rằng: “Loài sâu chít là một trong những đặc sản thiên nhiên ưu đãi “có một không hai” ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc như: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn và một tí tẹo ở Sapa cùng huyện Than Uyên (Lào Cai). Theo quan niệm của người Dao đỏ, H’mông, Thái thì sâu chít là một loại thực phẩm quý hiếm, có tính bổ dưỡng cao. 

Cũng không biết tự ngàn xưa ai là người đã nghĩ ra sáng kiến lấy con sâu trong cây chít ngâm rượu uống. Nghe nói là thuở xa xưa có ông lãnh chúa tên là Đèo Văn Long giàu có, quyền lực khắp cả một vùng. Nhà ông chẳng thiếu thứ chi, nhưng ông lại mê cái con sâu chít có màu trắng sữa ngâm rượu uống. Ông thường bắt quân lính trèo lên những triền núi đá vôi cao vút có cây chít mọc để lấy cho bằng được con sâu ấy về ngâm rượu uống, làm quà biếu cho bọn thống lý. Rồi các quan sở tại cũng thường khuyến khích người dân địa phương vào rừng bắt sâu chít về nộp cho Viện Thái y của triều đình.



Ngày ấy mỗi lạng sâu chít thường được thưởng gần một lạng bạc…Đó là ngày trước, chứ bây giờ đối với những người đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây thì mỗi khi Tết đến, xuân về thì trong nhà họ dù thế nào cũng không thể thiếu rượu sâu chít. Với họ đó là món rượu quý để đãi khách trong mấy ngày Tết…”.

Theo lời những người Dao đỏ thì mỗi năm đến độ cây chít nở hoa là những đàn bướm phải ngơ ngẩn mất hồn. Đó cũng là mùa bươm bướm đẻ trứng vào những đọt cây chít trong rừng. Đủ ngày đủ tháng thì mỗi trứng bướm kia lại nở ra một ả sâu chít con con. Ngày cuối năm, người đồng bào vùng Tây Bắc lại vào rừng chít. 

Trong bụi chít, tìm được ngọn cây chít nào bị héo úa, tách đôi ngọn chít ra sẽ bắt được một ả sâu đang nằm gọn lỏn giữa thân cây chít bé nhỏ. Chị Lý Mán Mẩy (người Dao đỏ) ở bản Tả Phìn – Sa Pa cho biết: “Thực ra con sâu chít chính là trứng của bướm trắng. Ban đầu nó chỉ nhỏ tí tẹo như con muỗi thôi. Khi ăn hết nõn hoa cây chít thì ả sâu đó sẽ có màu trắng sữa, béo tròn, căng mọng, tươi roi rói và có chiều dài cỡ 2 đốt tay người lớn. Sau mỗi buổi luồn rừng tìm sâu thì mỗi người sẽ mang về được năm ba chục gã sâu chít. 

Cuối năm sâu trưởng thành, ấy cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc thiểu số như H’mông, Thái, Dao đỏ, Cao Lan, Sán Dìu…lại vào những cánh rừng cỏ chít mọc ven các khe suối để thu lượm cây chít về bện chăn, làm gối, làm đệm, làm chổi quét nhà, hái lá chít về gói bánh, đồng thời còn tách đọt chít ra lấy sâu ngâm rượu…Như nhà tôi đây thường đi rừng hái cây chít về làm chổi bán, sẵn tiện là bắt sâu luôn. 

Thường những rừng chít mọc bạt ngàn kéo dài từ Hòa Bình lên Sơn La và cuối cùng là Điện Biên. Mỗi năm những nơi này thường cung cấp cả hàng vạn cây chổi. Còn rượu chít thì khỏi phải nói, tốt lắm đó! Không biết những đồng bào dân tộc khác thì sao chứ người Dao đỏ chúng tôi tới dịp lễ ăn cơm mới (một năm cấy 1 vụ, ngày nào lúa chín thu hoạch xong thì chọn ngày đẹp đẽ làm lễ ăn cơm mới) vào tháng 8 Âm lịch thì nhất định phải có con sâu này. 

Ông bà chúng tôi kể rằng trong ngày lễ phải có sâu chít đích thân chủ nhà bắt từ rừng sâu mang về. Họ quan niệm rằng ăn con sâu này trong ngày lễ cơm mới thì năm sau ruộng nhà mới có lúa gạo đầy đủ. Cho nên ngày làm cơm thì chỉ cần có một chén hay nửa chén sâu chít là tốt lắm rồi. Với người Tây Bắc chúng tôi, sâu chít quả là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình!”.


Thường thì người dân Tây Bắc thu hoạch sâu chít vào tháng 11 – 12 hàng năm. Thế nhưng những tháng khác dẫu không phải là mùa chính vẫn có nhiều sâu, bởi những ả sâu này cực kì thích nghi với vùng đất này và sinh trưởng rất tự nhiên, phát triển tốt. Những người kinh doanh rượu chít thường mua lại của đồng bào Tây Bắc những ngọn chít có chiều dài khoảng 35-40 cm, được bó lại gọn gàng như những bó củi với giá chỉ vài chục ngàn đồng. Sau đó họ lại cho người ngồi chẻ cây lấy sâu chít. Sâu chít bán thành kg hoặc lạng từ vài chục ngàn đến hơn một triệu đồng, tùy vào chất lượng.




Đi bộ từ bản Cát Cát ngược về thị trấn Sapa, tôi được cô bé Thào Thiên Lý tiếp tục nói chuyện về loài sâu trong thân cây này. Cô bảo sâu chít lâu chết lắm, khi bị người ta tóm gọn từ thân cây bỏ vào bịch ni lon đến 5-6 ngày nó mới chết. Nó thường to bằng đầu đũa, loại lớn thì một nửa ngón tay, có ngấn ngang mình như những con sâu khác nhưng mình mẩy trơn lu chẳng có lông liếc gì cả. Ngoài làm rượu, sâu chít có thể sao khô làm thuốc, nấu cháo. Người H’mông của cô thì khoái khẩu với món sâu chít xào với dầu phộng ăn cơm nóng, xào chung với rau cải, rau bí hay quả su su, cũng có thể luộc sâu chít chung với củ riềng rồi chấm nước mắm. Khi bắt sâu về phải rửa sâu qua nước lạnh sạch sẽ vì con sâu bệnh lắm, đính đầy bụi chít vì nó cắn đục thân cây để sống, làm cây ngừng phát triển mà. Nó bò ngổn ngang nhưng không tài nào thoát khỏi cái nồi, cái chảo. 

Thào Thiên Lý còn “bật mí” cho chúng tôi biết rằng loại sâu chít này ngoài sống trong cây chít còn sống trong cây tre, cây đót, cây le, cây lau vào mùa đông. Riêng cây tre thì rất nhiều sâu chít. Chỉ cần chặt một cây tre thì đã có đến 7 – 800 con sâu rồi. Sâu chít là tên gọi của người Kinh thôi. Người H’mông gọi sâu chít là sâu song, người Dao gọi là sâu thau. Nhưng nói gì thì nói, sâu chít ở trong thân cây chít là béo tốt và bổ dưỡng hơn hết. Thịt sâu chít rất ngon, có mùi thơm như cơm lúa dẻo.

Trên đường đi chúng tôi bắt gặp một cửa hàng bán các loại đặc sản miền Tây Bắc, có anh thợ trẻ đang ngồi chẻ táo làm rượu táo mèo, nhìn thấy mấy chai rượu có mấy con sâu nằm dưới đáy được dán nhãn rượu sâu chít, tôi dừng lại buôn chuyện. Anh thợ tên Thanh ấy cho biết: “Thực ra làm rượu sâu chít cũng rất đơn giản. Sâu bắt về, rửa bằng nước sạch rồi rửa một lần nước muối làm sạch các tạp vật, sau đó để ráo và cho vào thẩu (bình) đổ rượu trắng vào ngâm. Khoảng 2-3 giờ thì có thể uống được. 

Rượu này ngâm càng lâu thì uống càng tốt, càng bổ, càng thơm. Có người còn kỹ hơn dùng gạo nếp thơm cho vào chảo rang vàng rồi lần lượt bỏ những con sâu chít được rửa sạch để ráo nước vào, đảo đều gạo nếp và sâu cho đến khi các con chít đều chín vàng như gạo rang thì mới lấy ra ngâm rượu hoặc để ăn dần dần. Rượu chít khi ngâm có màu vàng đục và mùi rất thơm. Người xưa từng đánh giá loại rượu này là thang thuốc tráng dương, bổ thận “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” đó mà! (Nhất là một, Dạ là đêm, Lục là sáu, Giao là giao hợp-quan hệ, Sinh là đẻ, Ngũ là năm, Tử là con…!)”. 

 Thấy tôi quá thắc mắc về con sâu chít này, cô bé Thào Thiên Lý và chị Lý Mán Mẩy quyết định dẫn tôi đi qua cánh rừng phía bên kia thị trấn Sapa để tìm cây chít. Phía trước bụi chính là một trảng cỏ rậm um tùm được ngăn cách với mặt đường bằng một hàng rào kẽm gai hờ hững. Tôi mừng rỡ liền xông vào trảng cỏ nhưng hai người kia đã nhanh tay hơn kéo giật tôi lại bảo rằng “rắn đấy”! Thì ra ở khu vực có cây chít thường có cỏ lau um tùm và đó là nơi cư ngụ của những loài rắn độc. 

Thào Thiên Lý và Lý Mán Mẩy đều cho biết rằng người Kinh đi hái cây chít thường chết vì rắn độc cắn. nhưng người Dao đỏ, H’mông …thì không vì họ có loại thuốc chuyên trị rắn khi đến vùng có cây chít. Chị Lý Mán Mẩy cho biết: “Thịt sâu chít vốn là món tăng cường sinh lực không chỉ dành cho cánh đàn ông mà với cách chế biến phù hợp, sâu chít còn giúp cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, cho những người có thể trạng yếu. Và hiện tại, vì loại sâu này được cho là “Đông trùng hạ thảo” (một loại dược liệu quý của Trung Quốc, vốn được dùng cho những những bài thuốc tăng cường sinh lực) của Việt Nam nên sâu chít ngày càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương, tốt cho dạ dày, đường ruột, điều hòa khớp tay khớp chân…được công bố”. 

Loài sâu gây độc tế bào ung thư người 

Trong đề tài nghiên cứu về thành phần hóa học và ý nghĩa y học của sâu chít của Tiến sĩ – bác sĩ Phan Anh Tuấn cùng các cộng sự thuộc Viện y học cổ truyền quân đội, Đại học Y Hà Nội cũng đã có kết luận đầy đủ về đặc điểm sinh học (các giai đoạn phát triển trong vòng đời) của loại sau này. Trong quá trình nghiên cứu để xác định tên khoa học của sâu chít, Tiến sĩ – bác sĩ Phan Anh Tuấn và các cộng sự đã mất gần 3 năm tìm kiếm thông tin tại các tỉnh Tây Bắc và phải gởi mẫu sâu chít trưởng thành sang Viện Bảo tàng động vật của Hoàng gia Anh để tham khảo ý kiến. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định loài côn trùng này có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là khả năng phục hồi thương tổn hệ miễn dịch sau chiếu xạ. Tiến sĩ Tuấn cho biết: ““Đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25 – 32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể. 

Loại sâu này rất giàu đạm, một lượng đạm cao cấp rất cần thiết cho cơ thể. Điều này đã lí giải được tác đụng diều trị suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi sinh gây bệnh. Đặc biệt, trong con sâu này, hàm lượng axit béo đạt tới 58,37% - đây chính là thành phần tạo ra chất có hoạt tính sinh học cần thiết mà cơ thế không tự tổng hợp được”. 

Theo nghiên cứu của TS-BS Phan Anh Tuấn, sâu chít còn giúp phục hồi các chỉ số sinh sản và bước đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư có xạ trị. Đặc biệt có một kết luận cũng khá thú vị nữa là sâu chít có tác dụng gây độc tế bào ung thư người. Chính vì thế, có thể sử dụng nó để bào chế thuốc chống u, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Dẫu vậy, loài sâu này không có tác dụng điều trị như thuốc mà hiệu quả của nó có được là thông qua sự kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi sinh vật gây bệnh. Đồng thời loại sâu này không có độc với cơ thể nên hoàn toàn có thể sử dụng nó làm thực phẩm và dược liệu tốt. 

Các bác sĩ thuộc Viện Y học cổ truyền quân đội đã tiến hành thử nghiệm tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới bước đầu cho kết quả khả quan trên động vật thí nghiệm. Ngoài ra họ cũng đã nghiên cứu thành công thức và qui trình sản xuất thực phẩm chức năng “rượu bổ sâu chít” ở qui mô phòng thí nghiệm, đủ điều kiện đăng kí độc quyền sản phẩm và giấy phép lưu hành. Chính vì những nghiên cứu khoa học bước đầu này về tác dụng hữu hiệu của chúng mà giờ đây loài sâu trong thân cây chít này đã trở thành món hàng quí ở vùng núi Tây Bắc này và được nhiều khách du lịch đánh giá cao khi sở hữu chúng. 

Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư kí Hội Dược liệu TP HCM thì sâu chít ở dạng sấy khô, tán bột có vị cam ngọt, tính ôn được dùng thay thế vị “Đông trùng hạ thảo”, công dụng như “Đông trùng hạ thảo” – còn gọi là sâm chít. Nó có tác dụng bổ phế, bổ thận, tráng dương khí, an thần, dễ ngủ, chữa thận âm (nóng hầm hầm, ra mồ hôi trộm, đau lưng, tiểu xẻn đỏ vàng), liệt dương, mỏi gối, di tinh, hoạt tinh…Khi ngâm rượu thì rất bổ dưỡng cho đàn ông, nhưng tốt cho phụ nữ hơn…!”.

Thông tin chi tiết xin liên hệ: 
Đặc Sản Tây Bắc Hải Phong
Cơ sở 1: P.Him Lam, TP.Điện Biên, Điện Biên
Cơ sở 2: 203A Lò Đúc - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Hotline: 0964.113.218
Chia sẻ bài viết này :

Đăng nhận xét

Chào bạn, nếu có bất cứ thắc mắc nào hãy để lại bình luận. Mỗi nhận xét của bạn rất quan trọng

 
Hỗ Trợ : Thắng Nguyễn | Thông tin tuyển sinh | Tin tức tuyển sinh
Copyright © 2011. Đặc Sẳn Tây Bắc Hải Phong - All Rights Reserved
Đối Tác Của Chúng Tôi Đào Tạo Và Tuyển Sinh
Design: Thịt Trâu Gác Bếp Proudly powered by Thắng Nguyễn